Ăn tỏi có tốt cho tim mạch không?

Tỏi là gia vị quen thuộc trong căn bếp của mọi nhà, đã được chứng minh có vai trò lớn trong việc tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa sớm và giảm viêm. Vậy tỏi có bảo vệ sức khỏe tim mạch không?

1. Ăn tỏi có tốt cho tim mạch không?

Ăn tỏi tốt cho tim mạch bởi:

  • Cải thiện mức cholesterol

Ăn tỏi mang lại hiệu quả trong việc giảm cả mức cholesterol toàn phần và cholesterol LDL cao, hai trong số các yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim.

  • Tỏi giúp giảm huyết áp

Các chất trong tỏi có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp, đồng thời kích thích hệ thống miễn dịch và giảm cholesterol.

Sử dụng tỏi trong bữa ăn hàng ngày rất tốt cho sức khỏe tim mạch của bạn, đặc biệt trong việc ngăn chặn tình trạng tăng huyết áp. Điều này là nhờ tỏi kích thích quá trình tổng hợp oxit nitric, chất này có tác dụng làm giãn nở các mạch máu cũng như ức chế hoạt động của men chuyển đổi angiotensin – ACE, giảm áp lực lên thành mạch. Từ đó, tỏi giúp hỗ trợ quá trình lưu thông máu cũng như giữ huyết áp ổn định.

  • Tỏi ức chế quá trình viêm

Theo các nhà khoa học, tình trạng viêm mạn tính là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch, viêm khớp, tiểu đường và ung thư. Trong khi đó, tỏi lại giúp ức chế quá trình hoạt động của một số protein gây viêm, từ đó ức chế quá trình viêm mạn tính tại các cơ quan trong cơ thể.

Điều này được thể hiện trong một nghiên cứu trên 70 phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp được công bố trên tạp chí Phytotherapy Research, Mỹ tháng 11/2020. Những người tham gia được chia thành 2 nhóm, nhóm uống 1.000 mg tỏi bổ sung mỗi ngày và nhóm dùng giả dược, kết quả cho thấy sau 8 tuần nghiên cứu, nhóm đầu có dấu hiệu viêm thấp hơn, ít đau khớp và mệt mỏi hơn so với nhóm còn lại.

  • Tỏi giảm quá trình đông máu

Các hợp chất trong tỏi được chứng minh là làm mức độ kết dính của tiểu cầu và có khả năng chống đông máu. Điều này giúp bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ hình thành huyết khối do chứng xơ vữa động mạch gây ra.

Xơ vữa mạch máu là một quá trình tích tụ mảng bám lâu dài trong lòng động mạch dẫn đến mạch máu bị xơ cứng và đường kính thu hẹp dần. Cục máu đông hình thành do mảng xơ vữa bị nứt vỡ có thể gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Ngoài ra, trong thành phần tỏi có hợp chất allicin giúp dòng chảy trong các mạch máu trở nên dễ dàng hơn nhờ vào việc tác động lên các hồng cầu và tạo ra chất hydrogen sulphide giúp giãn nở các mạch máu này. Khi không bị cản trở dòng máu lưu thông, các cơn đau tim do tắc hẹp động mạch sẽ được giảm đáng kể cũng như làm giảm huyết áp và giúp máu chuyên chở được nhiều oxy hơn tới các tế bào.

Tất nhiên, ăn tỏi chỉ là biện pháp hỗ trợ trong việc phòng ngừa mà bạn thực hiện để bảo vệ tim mạch của mình. Việc quan trọng vẫn là một chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, tránh xa thuốc lá và tập thể dục đều đặn.

2. Cách sử dụng tỏi hợp lý

Một số nghiên cứu đã chỉ ra cách chế biến tỏi để có được nhiều chất dinh dưỡng nhất có thể đó là nghiền tỏi và giữ nó ở nhiệt độ phòng trong 10 phút trước khi nấu. Bằng cách này, 70% các hợp chất tự nhiên có lợi của tỏi được giữ lại so với nấu chín.

Ngoài việc dùng tỏi như một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, bạn có thể sử dụng nó trong nấu ăn vẫn sẽ thu được những lợi ích sức khỏe của chúng. Bạn cũng có thể ăn sống bằng cách trộn vài nhánh tỏi với một ít muối và dầu ô liu nguyên chất.

Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều tỏi vì sẽ khiến hơi thở hôi, ức chế tuyến giáp và rối loạn dạ dày,… Đặc biệt, tránh uống rượu tỏi liều cao vì sẽ gây hại cho tim như giãn các buồng tim, loạn nhịp tim, giảm sức co bóp của tim và suy tim. Liều dùng được khuyến cáo là khoảng 1 thìa cà phê một ngày và chỉ nên ăn tỏi tối đa 2 lần/ngày.

Như vậy, tỏi vừa là gia vị quen thuộc vừa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, cần sử dụng tỏi một cách hợp lý, đúng cách cũng như phối hợp thêm các phương pháp toàn diện khác trong phòng ngừa bệnh lý tim mạch.

Chia sẻ bài viết:
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
tin-tuc-16
Đương quy có tác dụng gì? Công dụng và cách dùng
tin-tuc-11
Dầu hạt lanh: Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ
tin-tuc-8
Công dụng của Vitamin E
tin-tuc-5
Cây kế sữa và lá gan: Những điều cần biết
goldjin-brain-2
Lợi ích sức khỏe của Ginkgo Biloba
ĐĂNG KÝ PHÂN PHỐI