Đương quy là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong các bài thuốc của Đông y với nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau. Vậy cụ thể đương quy có tác dụng gì và cách sử dụng ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
Trong dân gian, đương quy được sử dụng như một vị thuốc Đông y trong các bài thuốc chữa bệnh về nội tiết, đầy hơi, bệnh viêm khớp và các bệnh lý về da. Vậy đương quy có tác dụng gì? Để tìm hiểu rõ hơn về những công dụng và cách dùng loại dược liệu này, mời bạn đọc tham khảo một số thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây nhé!
Cây đương quy là gì?
Cây đương quy (có tên khoa học là Angelica sinensis) là một loài thảo dược thuộc họ Apiaceae, còn được gọi là họ Hoa tán. Loài cây này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đương quy thường được sử dụng như một loại dược liệu quý trong các bài thuốc Đông y với nhiều tác dụng đa dạng cho sức khỏe.
Cây đương quy có thân thảo, cao khoảng 1 – 2 mét, lá mọc so le và hoa màu trắng. Cả cây được sử dụng để tận dụng các phần của nó trong y học và y học cổ truyền. Các phần thường được sử dụng bao gồm rễ, thân và lá.
Rễ đương quy hay còn gọi là quy đầu là bộ phận được sử dụng nhiều nhất do có chứa nhiều chất dinh dưỡng, như polysaccharides, flavonoids, alkyl phthalides và các hợp chất khác. Rễ đương quy thường được sấy khô và dùng để nấu thuốc, trà hoặc làm thành các dạng thảo dược khác.
Cây đương quy đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc từ hàng ngàn năm để điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe, từ bồi bổ khí huyết đến điều trị các vấn đề về sức khỏe ở phụ nữ. Hiện nay, đương quy cũng được nghiên cứu trong y học hiện đại để tìm hiểu thêm về tác dụng và cơ chế hoạt động của nó.
Đương quy có tác dụng gì?
Đương quy có tác dụng gì? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sâm đương quy mang đến những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe như:
Trong Y học cổ truyền
Đương quy có vị ngọt, hơi đắng và cay, mùi thơm, tính ấm có khả năng hoạt huyết, bổ khí huyết, thông kinh, điều kinh, nhuận tràng, dưỡng gân, tiêu sưng. Vị thuốc này được sử dụng cho các trường hợp như:
- Bị huyết hư trường táo;
- Đau bụng kinh, tắc kinh và kinh nguyệt không đều;
- Các bệnh tiền sản hậu ở phụ nữ mang thai;
- Trị nhọt lở loét, chứng phế nhiệt;
- Đau tê chân tay hoặc tổn thương do té ngã, tâm can huyết hư.
Trong Y học hiện đại
- Tăng cường tuần hoàn máu: Dịch ngâm từ sâm đương quy có chứa vitamin B12 và aicd folic, hỗ trợ làm tăng huyết sắc tố và hồng cầu.
- Kháng viêm, kháng khuẩn: Các hợp chất trong đương quy có khả năng kháng khuẩn và chống viêm, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh và giảm viêm nhiễm trong cơ thể. Ngoài ra, loại dược liệu này còn có khả năng ức chế phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn và nhiều loại khuẩn khác
- Tác động đối với tử cung: Cồn chiết xuất từ đương quy có tác dụng làm cổ tử cung cô lập hưng phấn. Đồng thời, làm tăng hoạt động co bóp của tử cung trong trường hợp áp lực cao.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Một số nghiên cứu cho thấy, đương quy có tác dụng làm tăng khả năng thực bào của đại thực bào và tăng cường chuyển dạng lympho bào, giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Lợi tiểu: Trong đương quy có chứa hàm lượng đường mía cao, giúp kích thích cơ trơn của ruột non và bàng quang.
Ngoài ra, đương quy còn có một số tác dụng khác như tăng lưu lượng máu, giảm đau, an thần, chống đông máu và ngăn ngừa glycogen trong gan giảm thấp.
Liều lượng và cách dùng đương quy
Ngoài vấn đề đương quy có tác dụng gì thì cần phải sử dụng đúng cách và đúng liều lượng để mang đến hiệu quả sử dụng tốt nhất. Liều lượng sử dụng đương quy có thể khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe và căn bệnh mà người bệnh mắc phải. Thông thường, liều dùng được khuyến nghị là khoảng 3 – 6gr mỗi ngày dưới dạng rễ cây thô. Dựa vào từng loại bài thuốc cụ thể mà lượng dùng sẽ được cân chỉnh sao cho mục đích sử dụng.
Cây có thể được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như tán thành bột, chiết xuất tinh dầu, ngâm rượu thuốc, viên nang, dầu xoa bóp hoặc dùng cây thuốc tươi để sắc lấy nước uống. Tuy nhiên, việc sử dụng đương quy cần được thảo luận và hướng dẫn bởi chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ đương quy
Tùy vào mục đích chữa bệnh mà sẽ có cách bào chế đương quy khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ đương quy như:
- Trị các vấn đề về răng miệng như sưng đau, chảy máu: Sử dụng 1.6gr đương quy, 1.6gr sinh địa, 2gr thăng ma, 1.2gr mẫu đơn, 1.2gr hoàng liên, có thể cho thêm thạch cao nếu đau nhiều. Sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc chữa sốt rét lâu ngày không khỏi: Sử dụng 12gr đương quy, 12gr miết giáp, 10gr ngưu tất, 6gr quất bì với khoảng 3 lát gừng sống. Sắc với một lượng nước vừa đủ đến khi còn khoảng 1/3, chia thành 2 lần uống sáng và tối trước khi đi ngủ.
- Bài thuốc trị ra mồ hôi trộm: Sử dụng 12gr đương quy, 10gr hoàng kỳ, 8gr sinh địa, 8gr thục địa, 6gr hoàng cầm, 6gr hoàng liên, 6gr hoàng bá. Sắc đến khi còn 1/3 rồi chia thành 2 lần uống mỗi ngày.
- Bài thuốc chữa chứng mất ngủ: Sử dụng 12gr đương quy, 8gr toan táo nhân, 10gr viễn chí, 10gr nhân sâm, 10gr phục thần. Sắc thuốc cho đến khi còn 1/3 và uống hai lần mỗi ngày.
- Trị bệnh động mạch vành: Sử dụng 10gr đương quy, 15gr ngó sen, 90gr sơn trà, 6gr rễ hành. Sắc thuốc cho đến khi còn 1/3 và uống hai lần mỗi ngày.
- Bài thuốc trị chứng huyết nhiệt và táo bón: Sử dụng khoảng 4gr mỗi vị đương quy, thục địa, đại hoàng, cam thảo, đào nhân cùng với 3gr sinh địa, 3gr thăng hoa và 1gr hồng hoa. Sắc nước lấy nước uống 2 lần sáng và tối.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng đương quy
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng đương quy, đồng thời hạn chế những phát sinh không mong muốn thì bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuyệt đối không được sử dụng đương quy đối với những trường hợp đang gặp vấn đề về tiêu hóa như phân lỏng hoặc tiêu chảy;
- Có thể sử dụng kết hợp đương quy với rượu sẽ góp phần làm tăng tác dụng bổ máu;
- Phần đầu của rễ đương quy có tác dụng bổ máu tốt nhất, trong khi phần cuối giúp cải thiện hoạt huyết và phần thân lại có cả hai tác dụng hoạt huyết và bổ máu. Hãy sử dụng đúng phần cần thiết để đạt được kết quả như mong muốn;
- Không nên sử dụng đương quy cùng lúc với thuốc chống đông máu, để tránh nguy cơ chảy máu kéo dài do tác động chống ngưng tập tiểu cầu;
- Phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai không nên sử dụng đương quy vì sẽ có nguy cơ gây sảy thai cao;
- Người bệnh tiểu đường, rối loạn máu hoặc viêm loét đường tiêu hóa cần cẩn trọng khi sử dụng đương quy;
- Sử dụng đương quy trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng da, chán ăn, rối loạn cương dương, đầy hơi, huyết áp thấp và rối loạn tiêu hóa.
Bài viết trên đã chia sẻ một số công dụng của đương quy đối với sức khỏe con người. Hy vọng sẽ phần nào giúp bạn giải đáp được cho câu hỏi đương quy có tác dụng gì. Tuy nhiên, những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn nhé!